Để khai thác triệt để lợi thế, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, huyện Phúc Thọ cũng chú trọng kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại không những thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển, mà còn giúp nhiều hộ dân chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Phúc Thọ là vùng chuyển tiếp giữa huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây - hai địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tốc độ đô thị hoá. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều tuyến đường giao thông cấp vùng đi qua như Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417 - 418 - 419 - 420 và 421, với quy mô từ 2 - 4 làn xe, có vai trò kết nối giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và giữa huyện với các địa phương lân cận. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy giao thương hàng hoá. Những năm gần đây, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh, đa dạng hóa các loại ngành nghề dịch vụ thương mại. Thông qua việc động viên, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các dịch vụ thương mại, nhiều lĩnh vực kinh doanh, như: cửa hàng tạp hóa, quần áo, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống, dịch vụ làm đẹp, hàng hóa... đã phát triển mạnh. Nhiều hộ, cơ sở sản xuất thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm, nhờ đó đời sống của người dân được nâng cao. Dịch vụ viễn thông, internet phát triển nên khi có nhu cầu, người dân trong xã còn dễ dàng tìm kiếm thông tin, thuê các dịch vụ tại nhà hay đặt mua trực tuyến mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và được nhân viên giao hàng vận chuyển đến tận nơi.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp với sự năng động, nhạy bén của người dân, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 4.581 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ; giá trị ngành dịch vụ là 2.982 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Cơ cấu ngành dịch dụ chiếm tỷ trọng 327%. Hàng năm, huyện tổ chức Hội chợ Hoa Xuân phục vụ Tết Nguyên đán và đảm bảo cung ứng hàng hoá phục vụ dịp lễ, Tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoạt động bán hàng online, thanh toán điện tử tiếp tục phát triển mạnh. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 và chiếm đa số trong tổng doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Huyện thực hiện quản lý tốt các hoạt động kinh doanh tại Chợ, trung tâm thương mại; Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển trong công tác An ninh trật tự, VSMT, ATTP và Công tác phòng cháy chữa cháy trong chợ, TTTM; tăng cường công tác quản lý chợ cóc, chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn huyện. Tổ chức rà soát lại phương án sắp xếp ngành hàng các chợ đã có phương án nhưng không còn phù hợp, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong các tháng cuối năm 2024.
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê báo cáo công tác quản lý kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá, rượu; hướng dẫn các hộ kinh doanh các mặt hàng có điều kiện các hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để cấp các giấy tờ đủ điều kiện kinh doanh, theo đúng quy định của pháp luật; triển khai thực hiện rà soát TTHC được phân cấp, phân quyền lĩnh vực Công Thương theo Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 về việc phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và VSATTP trên địa bàn huyện; Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP phục vụ “Tháng hành động ATTP” năm 2024.
Để hoạt động giao thương, buôn bán diễn ra thuận lợi, thời gian qua, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; củng cố, nâng cấp, xây dựng mới các chợ truyền thống; phát triển các dịch vụ tiêu dùng gắn với quảng bá, tăng cường chỉ dẫn địa lý các điểm tham quan, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Ngoài việc thu hút đầu tư, huyện còn khuyến khích các hộ dân sinh sống tại các tuyến giao thông qua địa bàn để phát triển kinh doanh. Nhờ đó, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực chỉ đạo phòng chuyên môn nắm bắt kịp thời biến động về giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.
Trong định hướng phát triển đến năm 2025, huyện Phúc Thọ sẽ đầu tư xây dựng 7 chợ trung tâm xã, 6 siêu thị và 1 trung tâm thương mại mua sắm cấp vùng gắn với khai thác tiềm năng dịch vụ - du lịch, thúc đẩy giao thương, phát triển liên vùng. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới cửa hàng mua bán truyền thống. Thành lập một số hợp tác xã thương mại - dịch vụ nhằm thực hiện dịch vụ “đầu vào” cho sản xuất và tổ chức “đầu ra”, tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể, nhất là người nông dân. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi cũng đã được huyện đưa vào định hướng quy hoạch. Mục tiêu là thúc đẩy phát triển thương mại gắn với dịch vụ - du lịch, trên cơ sở tận dụng và phát huy hiệu quả những giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, cũng như làng nghề truyền thống của huyện.
Nguồn, ảnh: Minh Tuyết, CM: Kinh tế-Chính trị